NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Sẹo là một quá trình sinh lý phục hồi sự toàn vẹn của da sau chấn thương
Quá trình lành thương trải qua ba giai đoạn, giai đoạn viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn sửa chữa
Sẹo bệnh lý có thể xảy ra trong một số trường hợp
Các hình dạng lâm sàng chính bao gồm sẹo phì đại, sẹo lồi và sẹo lõm
Quá trình hình thành sẹo bất thường có thể được ngăn ngừa bằng cách làm theo lời khuyên của bác sĩ, như tránh sức căng cho vết thương, chăm sóc vết thương và sẹo đúng cách
Một số phương pháp điều trị có sẵn được lựa chọn riêng cho từng bệnh nhân, dựa trên loại sẹo, kết cấu, màu sắc và đáp ứng với điều trị
Một số phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ và được các bác sĩ sử dụng làm lựa chọn hàng đầu
Những phương pháp điều trị xâm lấn được sử dụng nếu sẹo khó trị hoặc tái phát
GIỚI THIỆU
Quá trình hình thành sẹo là một quá trình mà cơ thể khôi phục một khiếm khuyết trên da, chẳng hạn như vết thương, bằng cách hình thành mô sợi lấp đầy khiếm khuyết đó. Quá trình hình thành sẹo quá mức có thể ảnh hưởng về mặt thể chất, xã hội và tâm lý [1]. Hậu quả về thể chất bao gồm các triệu chứng mà bệnh nhân phải chịu như ngứa, cứng khớp, co thắt, đau cũng như thẩm mỹ bên ngoài. Ảnh hưởng tâm lý xã hội bao gồm sự cô lập xã hội, kỳ thị, tự kỷ, trầm cảm và lo lắng. Sẹo ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và cản trở giao tiếp xã hội, đặc biệt nếu vết sẹo lớn hoặc xuất hiện ở các vị trí dễ nhìn thấy như mặt [2, 3].
Các vết thương và quá trình hình thành sẹo sau đó thường xảy ra sau khi bị thương, phẫu thuật, chà sát, bỏng, và đôi khi do các bệnh lý da như mụn trứng cá hoặc nhiễm trùng da.
QUÁ TRÌNH LÀNH THƯƠNG VÀ HÌNH THÀNH SẸO
Khi chúng ta bị thương, vết thương trải qua các giai đoạn chồng chéo khác nhau để khôi phục tính toàn vẹn của da. Chúng bao gồm các giai đoạn viêm, tăng sinh và sửa chữa [4, 5]. Trong giai đoạn viêm (ngày 1-3), cơ thể cố gắng làm ngưng chảy máu, gọi là quá trình cầm máu, bằng cách hình thành cục máu đông với sự trợ giúp của các thành phần như tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Cũng trong giai đoạn này, một số tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và đại thực bào đến vết thương để chống lại các vật thể lạ và mảnh vụn mô. Trong giai đoạn tăng sinh (ngày 4-21), các tế bào khác nhau trên da thực hiện một số nhiệm vụ vd như các nguyên bào sợi tạo ra collagens mới, tế bào nội mô hình thành các mạch máu mới và tế bào sừng tăng sinh để bao phủ lớp da ngoài cùng là lớp biểu bì. Quá trình này gọi là tái cấu trúc, tất cả cùng hoạt động để khôi phục tính toàn vẹn của da. Trong giai đoạn sửa chữa (ngày 21 đến 1 năm), một collagen khác sẽ thay thế cho loại trước đó và vết thương bắt đầu co lại, được hỗ trợ bởi các tế bào gọi là nguyên bào sợi xơ giúp thiết lập cấu trúc sẹo để tăng sức bền cho vết thương. Giai đoạn này tiếp tục trong hơn một năm [4]. Trong quá trình chữa lành thương, vết sẹo có hình thái là một đường sẹo mịn màu da mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu bất cứ sai sót gì trong quá trình lành thương đặc biệt là trong giai đoạn cuối của quá trình, việc hình thành sẹo bệnh lý xảy ra [5].
HÌNH ẢNH LÂM SÀNG CỦA SẸO
Có một số loại sẹo chính, bao gồm sẹo phì đại, sẹo lồi và sẹo lõm. Sẹo phì đại (tăng trưởng quá mức) thường xuất hiện dưới dạng dày và nhô lên nhưng không vượt ra ngoài rìa vết thương. Nó có thể là tuyến tính (tạo thành một đường và thường là kết quả sau khi phẫu thuật hoặc cắt) hoặc lan rộng (xảy ra sau khi bị bỏng hoặc các tình trạng da như nhiễm trùng hoặc mụn trứng cá) [1]. Sẹo lồi tương tự như sẹo phì đại nhưng vượt ra ngoài rìa vết thương ban đầu, phổ biến hơn ở loại da sẫm màu, ngứa hơn và đau hơn so với sẹo phì đại [6]. Sẹo lõm (mất mô) có bề mặt thấp hơn bề mặt da. Có một số loại sẹo nhỏ khác dựa trên nguyên nhân hình thành, ví dụ như sẹo mụn [7]
Có một số yếu tố khiến cơ thể dễ bị sẹo bất thường. Chúng bao gồm tiền sử cá nhân và gia đình về sẹo, yếu tố chủng tộc như người Mỹ gốc Phi [8]. Các yếu tố nguy cơ khác dựa trên vị trí giải phẫu như vai, trước ngực, bụng dưới và vùng trên xương [8]. Nếu có một trong những yếu tố nguy cơ được ở trên, nên báo cho bác sĩ trước khi phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác để có hướng điều trị dự phòng trước khi sẹo xảy ra.
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA SẸO
Có một số biện pháp phòng ngừa mà bác sĩ có thể thực hiện hoặc hướng dẫn bệnh nhân thực hiện trước, trong hoặc sau phẫu thuật để giảm thiểu sự hình thành sẹo bất thường [8]. Chúng bao gồm giảm thiểu sức căng khi đóng vết thương, bác sĩ biết các đường căng da và khi thực hiện phẫu thuật sẽ sử dụng các đường căng da (đây là những đường trên da thể hiện hướng sắp xếp của các sợi collagen bên trong lớp bì của da và vuông góc với các sợi cơ) để rạch. Khi đóng vết thương, bác sĩ có thể thực hiện một số bước để có vết thương đẹp, sạch để có vết sẹo đẹp; bao gồm chuyển dịch vết thương, khâu ở lớp sâu và nông, cắt chỉ đúng thời gian, chọn chỉ đơn (monofilament) thay vì đa sợi (dạng bện). Từ phía bệnh nhân, nên giảm thiểu các cử động để tránh sức căng lên vết thương, nên chăm sóc vết thương tốt và sử dụng băng vết thương để giữ vết thương sạch sẽ, đủ độ ẩm và để giảm nguy cơ nhiễm trùng, vì vệ sinh kém và vết thương bẩn sẽ làm vết thương lành kém và sẹo bất thường.
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Các phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại sẹo, vị trí, màu sắc và ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Tất cả các loại sẹo, đặc biệt là sẹo lồi, rất khó điều trị và có tỷ lệ tái phát cao với hầu hết các lựa chọn điều trị, mặc dù trong một số trường hợp, nó có thể tự cải thiện theo thời gian [3]. Một số phương pháp điều trị đề cập dưới đây được liệt kê từ không xâm lấn đến các lựa chọn xâm lấn hơn.
Liệu pháp áp lực
Áp lực được sử dụng để ngăn ngừa sự phát triển quá mức của sẹo, làm cho sẹo phẳng hơn. Lý thuyết của phương pháp điều trị này là áp lực có thể giảm oxy và giảm lưu lượng máu đến sẹo, dẫn đến thoái hóa collagen và nguyên bào sợi, do đó làm giảm kích thước của sẹo. Cách thường dùng để đạt thực hiện liệu pháp áp lực là sử dụng băng áp lực trong ít nhất 12 giờ mỗi ngày ở mức 20-40 mm Hg và bắt đầu sau giai đoạn sửa chữa vết thương (sau khi vết thương lành 1 tuần) và trong 6-24 tháng [6]. Chú ý khi sử dụng băng áp lực, không vượt quá 40 mm Hg để tránh hiện tượng ứ đọng và tê. Áp suất dưới 10 mm Hg không hiệu quả [6]. Do bất tiện trong sử dụng, khó chịu và khó tuân thủ liệu pháp này, cũng như kết quả không rõ ràng nên không được khuyến cáo nhiều. Những nhược điểm khác như xuất hiện phát ban da, sưng, ngứa và bong tróc da do độ ẩm và áp lực liên quan đến liệu pháp này. Có thể yêu cầu bác sĩ lựa chọn phương pháp thay thế dễ chịu và hiệu quả hơn [8, 6]
Gel silicon và băng gạc
Được sử dụng từ lâu trong nhiều thập kỷ, các loại gel hoặc tấm silicon là sản phẩm có đặc tính làm cho da ẩm và ngậm nước, do đó cải thiện bề ngoài của sẹo, đặc biệt là sẹo phì đại. Nó có sẵn ở một số dạng như tấm, dải, gel, bọt, kem, và phun. Dạng ưa thích nhất là gel silicon vì dễ sử dụng [6]. Nó có một số lợi thế là ít tốn kém, sẵn có, dễ sử dụng và an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn c n gây tranh cãi [8]. Áp dụng gel silicon vào vùng sẹo hai lần mỗi ngày bắt đầu từ 2 tuần sau khi phẫu thuật hoặc chấn thương, trong ít nhất 2 tháng hoặc cho đến khi đạt được kết quả tối ưu. Tấm silicon có thể được đeo trong 12 giờ một ngày (hoặc theo khuyến nghị của nhà sản xuất) và cùng thời gian sử dụng như dạng gel [6]. Nhược điểm có thể có như viêm nang lông, và ít hiệu quả. Các bằng chứng đề nghị sử dụng các sản phẩm silicon trên sẹo mới, ngay sau phẫu thuật hoặc chấn thương, sử dụng trên sẹo lồi hoặc sẹo phì đại đã phát triển không hiệu quả [6].
Các sản phẩm thảo dược và thuốc thay thế
Chiết xuất hành tây hoạt động bằng cách giảm viêm và điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể với các vết thương. Ban đầu nó được sử dụng để điều trị bỏng, sau đó được sử dụng để điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi. Nó có sẵn trong nhiều sản phẩm phối hợp và đơn chất. Mederma® có sẵn ở Mỹ dưới dạng chiết xuất hành tây 10% và allantoin 1%. Nó được dung nạp tốt bởi hầu hết bệnh nhân [5]. Vitamin E bôi tại chỗ cũng được sử dụng để điều trị sẹo vì đặc tính chống oxy hóa được biết đến, có sẵn trên thị trường, tuy nhiên, hiệu quả của nó c n chưa xác định [8, 5]. Trà xanh nổi tiếng với tính chất chống oxy hóa và đã được sử dụng an toàn trong một số nghiên cứu để điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, những nghiên cứu khác cho thấy không có hiệu quả [5]. Thuốc mỡ MEBO chủ yếu được sử dụng để trị bỏng, nhưng một số gợi ý lợi ích của nó trong điều trị sẹo [5]. Nói chung, các phương pháp điều trị bằng thảo dược có sẵn trên thị trường và có thể dùng thử, mặc dù hiệu quả của chúng không được nghiên cứu kỹ.
Corticosteroid (CS)
Corticosteroid là hormone steroid được sản xuất tự nhiên bởi tuyến thượng thận, nó cũng được điều chế tổng hợp dưới nhiều hình thức sử dụng tại chỗ và toàn thân, được sử dụng rộng rãi trong y học hiện đại và trong da liễu. Trong điều trị sẹo, chủ yếu là sẹo phì đại và sẹo lồi, CS được xem là lựa chọn điều trị đầu tiên do tác dụng chống viêm, ức chế tổng hợp collagen quá mức và gây co thắt mạch máu. Sẹo có thể được điều trị bằng cách sử dụng CS tại chỗ và tiêm (IL, intralesional). CS tại chỗ không hiệu quả như tiêm và hiện nay không được chỉ định thường xuyên. Steroid tiêm thường được sử dụng là Kenalog (triamcinolone acetonide) và liều thông thường được sử dụng bởi hầu hết các bác sĩ trong khoảng 5-10 mg/ml và có thể lên đến 40 mg / ml. CS được tiêm trực tiếp vào vết sẹo để giảm thể tích, giảm đau và ngứa liên quan đến sẹo, có thể lặp đi lặp lại hàng tháng cho đến khi phẳng vết sẹo. Với việc điều trị tập trung và thường xuyên, có thể gặp một số tác dụng phụ như teo da, trắng da và giãn các mạch máu. Để giảm thiểu tác dụng phụ và tăng hiệu quả của CS, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp kết hợp như laser hoặc 5-FU cùng với CS [8, 6].
Imiquimod
Imiquimod là một loại thuốc điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Nó có sẵn dưới dạng kem 5% và được sử dụng trong một số chỉ định da liễu như mụn cóc và dày sừng ánh sáng. Imiquimod có thể hoạt động bằng cách kích thích một số chất gây ra sự phá vỡ collagen và cuối cùng làm giảm kích thước của sẹo. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan khi được sử dụng để điều trị sẹo lồi và ngăn ngừa sự hình thành sẹo sau phẫu thuật, kết quả tốt nhất đã được ghi nhận khi bôi imiquimod sau khi cắt bỏ sẹo lồi dái tai để ngăn ngừa tái phát [5]. Có thể bôi imiquimod vào vùng sẹo hàng ngày hoặc cách ngày trong vài tuần (khoảng 8 tuần sau phẫu thuật) hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Nó có thể gây ra một số tác dụng phụ như đỏ, sưng, kích ứng da và tăng sắc tố [6].
Laser trị liệu
Laser có thể được sử dụng để điều trị các dạng sẹo khác nhau bao gồm sẹo phì đại, sẹo lồi, sẹo lõm và sẹo mụn. Có nhiều loại laser có thể được sử dụng để điều trị sẹo, mỗi loại laser có thể điều trị hiệu quả loại sẹo nhất định dựa trên màu sắc, kết cấu và phân loại. Các tia laser điều trị sẹo sẽ nhắm mục tiêu chủ yếu là oxyhemoglobin và nước. Laser CO2 và Er:YAG được sử dụng để điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại bằng cách tái cấu trúc collagen với hiệu quả khác nhau và có một số tác dụng phụ bao gồm bỏng và rối loạn sắc tố. Những laser truyền thống này đã được thay thế bằng các loại laser an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Laser nhuộm xung (PDL), với bước sóng 585nm và 595nm được sử dụng hiệu quả cho cả sẹo phì đại và sẹo lồi và hiện đang được xem xét như một tiêu chuẩn điều trị, PDL cũng được sử dụng để ngăn ngừa hình thành sẹo sau phẫu thuật [6]. PDL được biết đến như một laser mạch máu, hoạt động thông qua sự hấp thụ năng lượng ánh sáng bởi oxyhemoglobin trong mô sẹo gây ra sự phá hủy các mạch máu và gián tiếp can thiệp vào quá trình tổng hợp collagen quá mức. Nó hiệu quả hơn đối với sẹo phì đại màu đỏ hoặc các mạch máu bị giãn xung quanh sẹo. Có thể gặp một số tác dụng phụ cục bộ sau khi điều trị bằng laser PDL như ban xuất huyết, có thể tồn tại đến 10 ngày. Sưng, đỏ và thay đổi sắc tố là một tác dụng phụ có thể có. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trước và sau các buổi điều trị laser, bôi kem chống nắng đầy đủ. Laser có thể được kết hợp với phương pháp điều trị khác như tiêm steroid để tăng hiệu quả [8]. Các loại da sậm màu có thể gặp tình trạng tăng sắc tố sau laser, vì vậy bác sĩ có thể sử dụng năng lượng thấp và lặp lại thường xuyên hơn để đạt được kết quả tối ưu.
Các loại laser khác được sử dụng cho sẹo phì đại và sẹo lồi là laser Nd: YAG 1064nm, Nd:YAG Q-Switched 532 và IPL (ánh sáng xung mạnh). Những loại này ít hiệu quả hơn so với laser PDL.
5-Fluorouracil (5-FU)
Fluorouracil là một loại thuốc chống chuyển hóa và được sử dụng làm hóa trị cho một số bệnh ung thư. Nó có ở một số dạng bao gồm thuốc tiêm và thuốc bôi, công thức thuốc bôi nổi tiếng là Efudex, được phê chuẩn để điều trị bệnh dày sừng ánh sáng. Nó có hiệu quả khi được sử dụng tiêm mô sẹo trong điều trị sẹo lồi, điều trị hàng tuần trong 12 tuần. Gần đây, 5-FU được kết hợp với tiêm corticosteroid và PDL cho thấy kết quả tốt [6, 8]. Có thể gặp tác dụng phụ nhỏ như đỏ và tăng sắc tố sau 5-FU.
Liệu pháp áp lạnh là phương pháp điều trị bằng cách áp các chất lạnh như nitơ lỏng để điều trị các bệnh về da như mụn cóc và một số bệnh ung thư da. Nó là một cách hiệu quả để điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi nhỏ cũng như sẹo mụn trứng cá. Khi kết hợp liệu pháp áp lạnh với các phương pháp điều trị khác như tiêm CS sẽ cho kết quả tốt hơn [6]. Sự đông lạnh tại chỗ có thể tiêu diệt các tế bào nguyên bào sợi và ngăn cản hình thành mạch máu do đó làm giảm kích thước của sẹo. Một phương pháp mới và hiệu quả làm đông lạnh mô sẹo là bằng cryoneedle, cho thấy kết quả tốt hơn trong một số nghiên cứu so với phương pháp thông thường [8]. Bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp áp lạnh bằng cách sử dụng bình xịt, đầu d hoặc tăm bông trong vài giây. Liệu pháp áp lạnh có thể được lặp lại mỗi tháng cho đến khi vết sẹo được cải thiện. Một số tác dụng phụ được dự báo trước như đau, châm chích trong các buổi điều trị, có thể bị sưng, đỏ và thậm chí hình thành mụn nước vài ngày sau đó. Tác dụng phụ lâu dài có thể bao gồm làm trắng da, đặc biệt trên da tối màu.
Phẫu thuật chỉnh sửa sẹo
Phẫu thuật chỉnh sửa sẹo là quá trình dùng phẫu thuật để chỉnh sửa lại sẹo. Nó có thể được thực hiện riêng, nhưng kết quả tốt và ít hơn tái phát hơn nếu phối hợp thêm các phương pháp điều trị như dán tấm silicon hoặc tiêm steroid sau phẫu thuật [8, 6]. Một số sẹo lồi có thể cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần với đường cắt hình thoi dọc theo đường căng da và vết cắt được đóng lại bằng cách đơn giản hoặc chuyển vạt. Bác sĩ phẫu thuật có thể thay đổi lại hoặc định hướng lại đường sẹo phì đại bằng cách sử dụng phương pháp Z plasty hoặc W plasty để sắp xếp hoặc ẩn đi vết sẹo. Phẫu thuật thường được coi là một trong những lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp ở trên không phải là chỉ định hoặc thất bại, hoặc không đủ hiệu quả điều trị.
Xạ trị
Xạ trị là một phương thức cung cấp bức xạ ion hóa để nhắm mô mục tiêu nhất định trong cơ thể để ngăn chặn chúng phát triển. Xạ trị được sử dụng để điều trị nhiều ung thư bao gồm ung thư hắc tố và ung thư da không phải hắc tố, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung… Nó là một cách trị sẹo hiệu quả và cách thức tương tự được sử dụng để ngăn chặn sẹo phát triển bằng cách tiêu diệt nguyên bào sợi. Chiếu tia X bề mặt, chùm tia electron và đặt chất phóng xạ bên trong là các cách thực hiện xạ trị và cho thấy kết quả tốt trong việc giảm sẹo khi kết hợp với phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi [6]. Có thể cần một số đợt điều trị với trung bình 5-6 lần bắt đầu 1-2 ngày sau khi cắt bỏ sẹo lồi. Hiện tại không nên sử dụng xạ trị như một phương pháp điều trị ban đầu cho sẹo vì có nhiều tác dụng phụ. Mặc dù hiếm gặp, điều đáng sợ nhất là nguy cơ phát triển ung thư mới.
PHẦN KẾT LUẬN
Quá trình hình thành sẹo bất thường có thể là một gánh nặng về mặt chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân. Bác sĩ thường chẩn đoán loại sẹo và chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng trường hợp. Các phương pháp điều trị khác nhau có thể được lựa chọn và đôi khi kết hợp điều trị để có kết quả tốt hơn. Luôn luôn thảo luận với bác sĩ về loại phương pháp điều trị, tác dụng phụ có thể xảy ra và các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện.
KHUYẾN NGHỊ
Đến bác sĩ ngay khi sẹo phát triển, sẹo càng cũ, điều trị càng khó.
Trao đổi với bác sĩ về loại sẹo, các lựa chọn điều trị, và biện pháp để ngăn chặn.
Nếu tiền sử cá nhân hoặc gia đình có liên quan đến hình thành sẹo bất thường, thảo luận với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào và có kế hoạch dài hạn.
Giảm sức căng cho vết thương và chăm sóc vết thương phù hợp để tránh để lại sẹo xấu.
Sử dụng gel hoặc tấm silicon trên sẹo mới, thường sau tuần thứ hai của quá trình lành thương, dùng trong ít nhất 2 tháng.
Bác sĩ có thể xem xét tiêm corticosteroid trong sẹo, lặp lại hàng tháng. Điều trị kéo dài có thể dẫn đến đến các tác dụng phụ như teo da và làm trắng da.
Tránh phơi nắng và bôi kem chống nắng khi điều trị bằng laser, để tránh tăng sắc tố quá mức.
Phẫu thuật và xạ trị đối với sẹo không đáp ứng các điều trị bảo tồn khác, không lựa chọn phẫu thuật khi chưa điều trị thử với các phương pháp ít xâm lấn.
Đề nghị bác sĩ kết hợp điều trị như tiêm corticosteroid, laser PDL và liệu pháp áp lạnh để đạt được kết quả tốt hơn điều trị đơn lẻ.
Luôn làm theo lời khuyên của bác sĩ và báo cáo các tác dụng phụ không mong muốn ngay khi xảy ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Monstrey, S., E. Middelkoop, J. J. Vranckx, F. Bassetto, U. E. Ziegler, S. Meaume, and L. Teot. 2014. “Updated scar management practical guidelines: non-invasive and invasive measures.” J Plast Reconstr Aesthet Surg 67 (8):101725. doi: 10.1016/j.bjps.2014.04.011.
Reinholz, M., J. Poetschke, H. Schwaiger, A. Epple, T. Ruzicka, and G. G. Gauglitz. 2015. “The dermatology life quality index as a means to assess life quality in patients with different scar types.” Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology:n/a-n/a. doi: 10.1111/jdv.13135.
Smith, O. J., and D. A. McGrouther. 2014. “The natural history and spontaneous resolution of keloid scars.” J Plast Reconstr Aesthet Surg 67 (1):87-92. doi: 10.1016/j.bjps.2013.10.014.
Profyris, C., C. Tziotzios, and I. Do Vale. 2012. “Cutaneous scarring: Pathophysiology, molecular mechanisms, and scar reduction therapeutics Part I.
The molecular basis of scar formation.” J Am Acad Dermatol 66 (1):1-10; quiz 11-2. doi: 10.1016/j.jaad.2011.05.055.
Sidgwick, G. P., D. McGeorge, and A. Bayat. 2015. “A comprehensive evidence-based review on the role of topicals and dressings in the management of skin scarring.” Arch Dermatol Res 307 (6):461-77. doi: 10.1007/s00403-0151572-0.
Arno, A. I., G. G. Gauglitz, J. P. Barret, and M. G. Jeschke. 2014. “Up- to-date approach to manage keloids and hypertrophic scars: a useful guide.” Burns 40 (7):1255-66. doi: 10.1016/j.burns.2014.02.011.
Gauglitz, G. G., H. C. Korting, T. Pavicic, T. Ruzicka, and M. G. Jeschke. 2011. “Hypertrophic scarring and keloids: pathomechanisms and current and emerging treatment strategies.” Mol Med 17 (1-2):113- 25. doi: 10.2119/molmed.2009.00153.
Tziotzios, C., C. Profyris, and J. Sterling. 2012. “Cutaneous scarring: Pathophysiology, molecular mechanisms, and scar reduction therapeutics Part II. Strategies to reduce scar formation after dermatologic procedures.” J Am Acad Dermatol 66 (1):13-24; quiz 25-6. doi: 10.1016/j.jaad.2011.08.035